Điểm sách - Cầu nguyện chiêm niệm
Vatican News
Tác phẩm: Cầu nguyện chiêm niệm
Tác giả: Cha Thomas Merton
Nguyên tác: Contemplative Prayer
Chuyển ngữ: Giuse Phan Văn Phi, O.Cist. và Emmanuel-Triệu Nguyễn Bá Lệ, O.Cist.
Kính thưa quý độc giả,
Cha Thomas Merton là một con người cầu nguyện, một nhà tư tưởng, ngài đã mở ra những chân trời mới cho nhiều tâm hồn và cho Hội thánh. Ngài cũng là một con người của đối thoại và thăng tiến cổ võ hòa bình giữa các dân tộc và các tôn giáo” – Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Trong tác phẩm kinh điển này, cha Thomas Merton đã cống hiến những hướng dẫn quý giá cho việc cầu nguyện. Ngài tập hợp vô số những ảnh hưởng suy niệm và thần bí – từ thánh Gioan Thánh Giá đến đời sống đan tu sa mạc Đông phương – để tạo ra một hành trình tâm linh cho thế giới hôm nay. Điều quan trọng nhất, ngài đã chỉ ra cách thức không nên tìm kiếm sự bình an lãnh nhận được ngang qua việc suy niệm hầu trốn tránh các vấn đề của cuộc sống hiện đại, mà thay vào đó, có thể hướng ra thế giới để tác động đến những đổi thay tích cực.
“Thomas Merton thực sự là một người mà chúng ta có thể ngưỡng mộ. Tôi luôn tự coi mình như là một trong những người anh em Phật tử của Thomas Merton” – Đức Đạt Lai Lạt Ma.
“Qua cuốn sách nhỏ này, cha Thomas Merton đã chắt lọc những gì tinh túy nhất trong cuộc đời của ngài, theo truyền thống đan tu mà ngài đã dạy và đã sống. Như vậy, nó đại diện cho một bản diễn tả cuối thế kỷ XX, độc đáo, mang một phong cách riêng và mang tính cá nhân cao, như một lời mời gọi chiêm niệm, nó không lỗi thời, nhưng vẫn tươi mới và đầy thách thức như khi nó mới được biên soạn lần đầu tiên vậy” - Sarah Coakley, nữ thần học gia Anh giáo.
Trong cuốn sách quý giá Cầu Nguyện Chiêm Niệm, Thomas Merton cũng chia sẻ sự hiểu biết sâu sắc của ngài về việc cầu nguyện và suy niệm” - Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Nội dung (Chương I)
Tác giả chia sẻ, những gì được viết về cầu nguyện trong cuốn sách này chủ yếu dành cho các đan sĩ. Tuy nhiên, giống như một cuốn sách về phân tâm học của một nhà phân tích tâm lý và chủ yếu dành cho các chuyên viên tâm lý, thì vẫn có thể (miễn là nó không quá học thuật) hấp dẫn những người không có chuyên môn cũng được quan tâm đến những vấn đề này, vì thế, một nghiên cứu không mang tính học thuật cao, lại rất thực tế về cầu nguyện đan tu, thì cũng nên được tất cả mọi người Kitô hữu quan tâm tới, vì theo một nghĩa nào đó, dứt khoát mỗi người Kitô hữu cũng đều phải là một con người cầu nguyện.
Mặc dù có rất ít người mong muốn sống trong sự cô tịch, hoặc sống ơn gọi đời đan tu, nhưng ít ra, tất cả mọi tín hữu đều cần phải có một nguồn cảm hứng đối với việc cầu nguyện, để có thể đọc và sử dụng những gì được nói tới trong cuốn sách này, vốn dành cho các đan sĩ, bằng cách thích nghi với hoàn cảnh ơn gọi riêng của mình. Chắc chắn rằng, trước những áp lực của cuộc sống hiện đại hôm nay, nhiều người cảm thấy cần phải có một khoảng lặng nhất định và một kỷ luật nội tâm nào đó, cho dù chỉ là để khỏi bị phân tâm và bảo toàn căn tính của con người và bản sắc Kitô giáo, cũng như tự do tâm linh của mình. Để đáp ứng nhu cầu đó, có khi họ cố gắng tìm kiếm những khoảnh khắc và nơi chốn để tĩnh tâm và cầu nguyện, hầu gia tăng khía cạnh suy niệm cho đời sống của mình.
Tác phẩm này, thay vì chỉ xử lý các chi tiết kỹ thuật, thì được nghiên cứu để nhấn mạnh tới chính bản chất đích thực của việc cầu nguyện. Chính vì thế, những gì nói ở đây đều có giá trị đối với việc cầu nguyện của tất cả mọi Kitô hữu, mặc dù có lẽ ít nhấn mạnh đến cường độ của một số thử thách vốn dành riêng cho đời sống trong cô tịch.
Sa mạc nở hoa
Sa mạc nở hoa trong bầu khí cầu nguyện đan tu (x. Is 35,1-10), tức là nơi con người không còn có các tiện nghi, nơi không có sự hỗ trợ của những thói quen an toàn cũ của thành phố có đông người quy tụ lại với nhau và là nơi mà lời cầu nguyện phải được Thiên Chúa đỡ nâng, cùng với một đức tin tinh tuyền. Mặc dù sống trong cộng đoàn thì đan sĩ cũng cần phải khám phá mảnh đất sa mạc nội tâm của bản thân mình trong tư cách là một vị ẩn sĩ.
Cầu nguyện cá nhân
Chúng ta sẽ lưu tâm đặc biệt đến việc cầu nguyện cá nhân, cách riêng, về khía cạnh suy niệm và chiêm niệm. Dĩ nhiên, cầu nguyện cá nhân của đan sĩ hòa nhập vào một đời sống vốn chuyên hát Thánh vịnh, cử hành phụng vụ và đọc Sách Thánh kết hợp với suy niệm (lectio divina). Tất cả những việc đó mang một chiều kích vừa cá nhân vừa phổ quát. Ở đây chúng ta lưu ý nhất đến cách nắm bắt mang tính hiện sinh và sâu sắc của người đan sĩ về ơn gọi của mình, đó là sống trong Đức Kitô, đúng như ơn gọi ấy được mặc khải cho họ trong sự cô tịch, nơi mà đan sĩ sống một mình với Thiên Chúa, cho dù những người anh chị em mình có hiện diện xung quanh cách thể lý hay không.
Kiểm soát tư tưởng
Đối với các đan sĩ thời xưa, cách thực hành mà chủ yếu là giữ cho Thánh Danh Chúa Giêsu luôn hiện diện ở nơi sâu thẳm của hữu thể mình, đó chính là bí quyết để “kiểm soát tư tưởng” và vượt thắng được mọi cám dỗ. Cách thực hành này đi kèm với hết mọi hoạt động của đời sống đan tu và thấm nhuần tất cả bằng việc cầu nguyện. Đó chính là bản chất của việc suy niệm đan tu, một hình thức đặc biệt của việc thực hành về sự hiện diện của Thiên Chúa, mà sau này, thánh phụ Biển Đức xem như là tảng đá góc của đời sống đan tu và của việc suy niệm đan tu. Dĩ nhiên, cách thực hành căn bản và đơn sơ này có thể được mở rộng để bao gồm những suy tư về cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, điều mà thánh Athanasiô, một trong những người đầu tiên đã kết hợp Các Giờ Kinh Phụng Vụ với việc suy niệm này.
Thử thách ơn gọi
Quả thật, đan sĩ chính là một con người cầu nguyện và chấp nhận cách nghiêm túc cuộc thử thách ơn gọi của mình trong tất cả chiều sâu của nó, nên rất dễ bị tấn công bởi nỗi sợ hãi hiện sinh [existential dread] này. Đan sĩ cảm nghiệm nơi bản thân sự trống rỗng, việc thiếu tính xác thực, sự tìm kiếm lòng tín trung và cảm giác tuyệt vọng của con người hiện đại. Tuy nhiên, đan sĩ cảm nghiệm những điều đó một cách khác hẳn và sâu sắc hơn con người của thế giới hiện đại, bởi lẽ, đối với những người này, cái ý thức làm họ kinh ngạc về chính mình và về vũ trụ chỉ có tính cách như một cảm nghiệm buồn chán và mất phương hướng tâm linh thôi, về phần mình, các đan sĩ đương đầu với nhân tính của chính mình và của thế gian vốn thuộc về họ, ở điểm sâu xa và trọng yếu nhất, nơi mà sự trống rỗng dường như mở ra trên một vực thẳm của tuyệt vọng đen tối. Đan sĩ đương đầu với sự bất trắc nghiêm trọng ấy và bác bỏ nó, như triết thuyết của Albertô Camus đương đầu với cái phi lý và vượt lên trên nó bằng sự tự do của mình. Nỗi thất vọng tuyệt đối mà đan sĩ chọn đã biến đổi thành một niềm hy vọng hoàn hảo nhờ lời cầu nguyện tinh tuyền và khiêm tốn của việc cầu nguyện đan tu. Đan sĩ đối diện với điều tồi tệ nhất và phát hiện ra trong đó hy vọng điều tốt nhất. Từ bóng tối đến ánh sáng. Từ cái chết đến sự sống. Từ vực thẳm phát xuất một cách không giải thích được những ân huệ mầu nhiệm của Thánh Linh mà Thiên Chúa gửi đến nhằm đổi mới mọi sự, nhằm biến đổi thế giới đã được sáng tạo và cứu chuộc, đồng thời, tái lập mọi sự trong Đức Kitô.
Tác phẩm “Cầu nguyện chiêm niệm” dày 13.5 x 20.5 trang trên khổ giấy 222 cm, cuốn sách là một trong những tác phẩm thiêng liêng nổi tiếng nhất trong một trăm năm qua và là tác phẩm cần phải được đọc đối với tất cả những ai đang khao khát tìm cách sống có mục đích trong thế giới hôm nay.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.