Điểm sách - Đức Maria – người nữ tỳ của Chúa
Văn Cương, SJ - Vatican News
Tác phẩm: Đức Maria – người nữ tỳ của Chúa
Tác giả: ĐHY. Raniero Cantalamessa
Chuyển ngữ: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Tác giả
ĐHY Raniero Cantalamessa sinh ngày 22 tháng 6 năm 1934 ở Ascoli Piceno, Italia, chịu chức linh mục năm 1958, thuộc Dòng Phanxicô Capucinô. Ngài đậu tiến sỹ thần học (ở Fribourg 1962) và tiến sỹ văn chương cổ (ở Milan 1966), giáo sư sử học về Kitô Giáo cổ và giám đốc Phòng Nghiên cứu Tôn giáo ở đại học Công Giáo Milan, thành viên của Hội đồng Thần học Quốc tế (1975-1981).
Năm 1979 ngài thôi dạy học để trở thành một nhà giảng thuyết dành hoàn toàn thời gian cho Tin Mừng. Năm 1980 ngài được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm giảng thuyết viên cho Phủ Giáo hoàng và sau đó được Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI tái bổ nhiệm năm 2005. Trong vai trò này, vào Mùa Vọng và Mùa Chay mỗi năm, mỗi tuần ngài giảng một bài trước sự hiện diện của Đức Giáo hoàng, các Hồng y, Giám mục, các giáo sỹ cao cấp của Curia Romana và các Dòng tu.
Theo hướng canh tân thần học của Công Đồng Vaticanô II, ĐHY Cantalamessa đã không trình bày Đức Maria như là một nữ thần, hay một nhân vật phi lịch sử và trừu tượng với những đặc ân ngoại lệ trong giới loài người, nhưng ngài chủ yếu dựa trên nền tảng Kinh Thánh Tân Ước để phác thảo lại dung mạo và đời sống đích thực của Mẹ Thiên Chúa một cách cụ thể, sinh động, hiện sinh với những biến cố xảy ra trong sự liên hệ mật thiết với Đức Giêsu Kitô, Con Mẹ.
Đây là lối tiếp cận giúp chúng ta thủ đắc sự hiểu biết đích thực về Đức Maria. Sự hiểu biết chân thật ấy dẫn chúng ta tới chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta.
Cuốn sách này chứa đựng những bài suy niệm mà tác giả đã thực hiện trước sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Curia Romana trong Mùa Vọng 2019 và Mùa Chay 2020. Ý muốn chủ đạo khi trình bày những bài suy niệm này là đưa ra một tầm nhìn về Đức Maria dựa trên Tân Ước và những tài liệu của Công Đồng Vaticanô II.
Nội dung (Đơn độc với Chúa)
Thoạt nhìn, hành vi đức tin của Đức Maria xem ra rất dễ dàng và có thể coi như là điều đương nhiên. Mẹ sắp trở thành mẹ của một vị vua sẽ trị vì mãi mãi trong nhà của Giacóp, Mẹ của Đấng Thiên Sai! Chẳng lẽ đó không phải là giấc mơ của mọi cô gái Do Thái sao?
Nhưng đây là một cách suy luận khá nhân văn và trần tục. Đức tin chân thực không bao giờ là một đặc quyền hay vinh dự; nó có nghĩa là chết đi một chút, và điều này đặc biệt đúng với đức tin của Đức Maria tại thời điểm đó.
Trước hết, Thiên Chúa không bao giờ lừa dối và không bao giờ lặng lẽ bó buộc sự đồng ý của con cái mình bằng cách che giấu những hậu quả không cho họ biết những gì sẽ xảy đến. Chúng ta có thể thấy điều này trong mọi lời kêu gọi về phía Thiên Chúa. Người cảnh báo tiên tri Giêrêmia: “Chúng sẽ giao chiến với ngươi” (Gr 1,19), và để cho ông Anania nói với Saolô rằng: “Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người ấy phải chịu vì danh Ta” (Cv 9,16).
Liệu Người có hành động khác đi với riêng một mình Đức Maria trước một sứ vụ như sứ vụ của Mẹ không?
Trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần đi kèm với tiếng gọi của Chúa, Mẹ chắc chắn cảm nhận được rằng con đường Mẹ sẽ không có gì khác biệt so với tất cả “những người khác được chọn.” Trong thực tế, không lâu sau đó, ông Simêon sẽ diễn tả linh tính này thành lời, khi ông nói với Mẹ rằng một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua tâm hồn Mẹ.
Nhưng ngay cả trên bình diện nhân bản thường tình, Đức Maria cũng thấy mình hoàn toàn cô độc. Mẹ giải thích làm sao về những gì đã xảy ra với Mẹ? Ai có thể tin Mẹ khi Mẹ nói rằng hài nhi mà Mẹ mang trong bụng là công trình của Chúa Thánh Thần? Đây là điều chưa từng xảy ra trước đây và sẽ không bao giờ xảy ra lần nữa. Không còn nghi ngờ gì nữa, Đức Maria đã nhận thức rõ luật pháp sẽ được áp dụng thế nào nếu các dấu chỉ trinh tiết không được tìm thấy nơi một phụ nữ trẻ khi kết hôn: Mẹ sẽ bị đưa đến cửa nhà cha mình và bị những người đàn ông trong thành ném đá đến chết (Cf. Đnl 22,20tt).
Ngày nay chúng ta nói ngay về rủi ro của đức tin, và chúng ta thường muốn nói đến các rủi ro về mặt tri thức, nhưng Đức Maria phải đối mặt với những rủi ro thực sự!
Tuy nhiên, Đức Maria đã ưng thuận và động từ sử dụng để thể hiện sự ưng thuận của Mẹ được dịch ra từ văn bản gốc ra là fiat, hay “xin cứ làm như vậy,” là nói với một tâm trạng mong mỏi (genoito). Vậy Mẹ đã nói thế nào? Từ nào hoặc thành ngữ nào? Một người Do Thái sẽ nói gì khi muốn nói “xin vâng như thế”? Người ấy sẽ nói “Amen!” Nếu chúng ta cung kính cố gắng quay trở lại cái ipsissima vox, có nghĩa là, chính xác từ ngữ Đức Maria sử dụng - hoặc ít nhất là từ ngữ đã tồn tại ở điểm này trong nguồn Hípri mà thánh sử Luca sử dụng - nó thực sự phải là từ “amen.” “Amen” - một từ Hípri mà gốc gác của nó có nghĩa là sự kiên vững, sự tốt lành - được sử dụng trong phụng vụ như một câu trả lời trong đức tin đối với Lời Chúa.
Mỗi lần trong bản dịch Kinh Thánh sang tiếng La Tinh, bản phổ thông Vulgate, nơi có từ fiat, thường xuất hiện ở cuối một số Thánh Vịnh (trong bản dịch Septuagint, genoito, genoito), thì bên tiếng Hípri gốc, mà Đức Maria biết, là từ amen, amen! Từ “amen” được dùng để nhìn nhận những gì được nói như là vững chắc, ổn định, hợp lệ, và ràng buộc. Cách dịch chính xác của từ này trong ngữ cảnh một câu trả lời đối với Lời Chúa là: “Chính thế, xin cho được như thế.” Nó chỉ ra cả đức tin lẫn sự vâng phục; nó công nhận rằng những gì Chúa nói là đúng và ta phục tùng điều đó. Đó là nói tiếng xin vâng với Chúa.
Mục lục
Tác phẩm gồm hai phần:
Phần I: Những bài suy niệm Mùa Vọng, trong đó đề cập đến các chủ đề - Em được chúc phúc vì đã tin, linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, bà sinh con trai đầu lòng.
Phần II: Những bài suy niệm Mùa Chay, trong đó đề cập đến các chủ đề - Mẹ học vâng phục từ những gì mẹ trải qua, tôi sẽ hy vọng để chống lại mọi hy vọng, chúng ta được sinh ra tại đó.
Tác phẩm “Đức Maria – người nữ tỳ của Chúa” dày 123 trang trên khổ giấy 14.5 x 20.5 cm, tác giả hy vọng rằng những bài suy niệm này sẽ gia tăng đức tin và lòng sùng mộ của người Việt Nam đạo hạnh và trung thành, đồng thời giúp các tín hữu tái khám phá một sự hiệp nhất nền tảng xung quanh Mẹ Thiên Chúa.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.