Tìm kiếm

Điểm sách - Vui bước trên đường Loan Báo Tin Mừng

Được sai vào giữa cảnh đời của bà con, chứng kiến bao trái ngang, chúng tôi thấy mình được mời gọi nhìn lên cao hơn, cho tới tận thập giá hòa nhập với con tim của Con Thiên Chúa làm người đang cất lên lời kinh hiến tế giữa dòng đời hôm nay. Ở với Giêsu và lên đường với Giêsu, giữa lằn ranh chênh vênh của xác phàm và linh thiêng, đôi lúc cũng cảm thấy lòng mình e ngại. Nhưng mỗi lần như thế, chúng tôi lại nghe trong lòng lời Thầy nhắc nhở: “Đừng sợ”. Đừng sợ nhìn lên cao hơn.

Văn Cương, SJ - Vatican News

Tác phẩm: Vui bước trên đường Loan Báo Tin Mừng

Tác giả: Đaminh Trần Văn Tân, SJ

Được sai vào cánh đồng truyền giáo, bước vào mái nhà của những người bé nhỏ nghèo nàn, chúng tôi nghe dội lại trong tim tiếng reo vui từ những bước chân phàm trần của Con Thiên Chúa: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, người đã xức dầu tấn phong, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn...”. 

Bước vào cảnh đời của người nghèo, nhiều hệ lụy lắm. Thế nhưng đây cũng là những khuôn mặt chiếm một chỗ đặc biệt trong cung lòng Thiên Chúa, và ngược lại, nơi đây cũng là thánh điện để Thiên Chúa ngự trị và thi thố quyền năng và lòng thương xót của Người. 

Đây chính là những trải nghiệm của người sứ giả trên hành trình Loan Báo Tin Mừng cho những bà con vùng Tây Nguyên. Những cảm nghiệm sau nhiều chục năm rong ruổi những con đường đất đỏ, những ngọn đồi để đến với những người chưa biết Chúa để trò chuyện với họ, sống với họ và cùng chia sẻ với họ. Nơi những vùng đất và con người ấy, nhà truyền giáo đã gặp bao điều ngang trái và cả những ngần ngại nhưng cũng chính tại nơi ấy, người truyền giáo cũng gặp gỡ và được mời gọi hơn nữa. Tác giả đã viết như sau:

Được sai vào giữa cảnh đời của bà con, chứng kiến bao trái ngang, chúng tôi thấy mình được mời gọi nhìn lên cao hơn, cho tới tận thập giá hòa nhập với con tim của Con Thiên Chúa làm người đang cất lên lời kinh hiến tế giữa dòng đời hôm nay. Ở với Giêsu và lên đường với Giêsu, giữa lằn ranh chênh vênh của xác phàm và linh thiêng, đôi lúc cũng cảm thấy lòng mình e ngại. Nhưng mỗi lần như thế, chúng tôi lại nghe trong lòng lời Thầy nhắc nhở: “Đừng sợ”. Đừng sợ nhìn lên cao hơn, để cho phép mình được Thiên Chúa yêu thương và giải phóng. Đừng sợ để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, vì bước đường của đời môn đệ là một cuộc gặp gỡ giữa sự yếu đuối của bản thân và quyền năng của ân sủng Thiên Chúa”. (x. Tông huấn Vui mừng Hân hoan, 34). 

Ở một đoạn khác, người truyền giáo chia sẻ về niềm vui trong mùa gặt rằng:

Khi các cánh đồng truyền giáo vào mùa, nghĩa là sau gần 4 năm dọn đất và bắt đầu gieo hạt, thì hạt giống nảy sinh tươi tốt, khắp nơi rộn rã tiếng reo vui của đồng lúa chín vàng, tay ôm những bó lúa, miệng hát khúc hoan ca của người gieo trong lời kinh hiến tế, gặt trong tiếng ca tạ ơn vàc chúc tụng, vì muôn ngàn đời Trời chẳng bao giờ phụ lòng người. 

Hay khi chia sẻ về những Ki-tô hữu mới, nhà truyền giáo viết,

Cứ mỗi lần tham dự lễ Rửa Tội, ngồi trên gác đàn, đưa mắt dõi theo từng tấm thân nghèo, chúng tôi hiểu tại sao khi đứng trước những trái tim đơn nghèo, Chúa đã gọi họ là có phúc, đơn giản vì Chúa có thể bước vào đó với sự mới mẻ muôn đời của Người. Thật vậy, sự mới mẻ diễn ra ngay khi đoàn người nối gót nhau dìm mình nơi dòng nước thanh tẩy, lãnh nhận ơn tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa, để biết tha thứ và biết xót thương. 

Giã từ những nẻo đường cứ lôi kéo con người lùi về phía sau, từ nay bà con tiến lên phía trước, tiến vào chính cung lòng Thiên Chúa giàu lòng thương xót, giã từ bùa ngải là những công cụ của kẻ ác gieo rắc thù hận, giã từ những tin kiêng mà theo dòng thời gian đã dẫn tới mê tín lạc hậu, giã từ những huyền thoại pha trộn thần linh với yêu quái. 

Nội dung

Kính thưa quý thính giả, tác phẩm “Vui bước trên đường LBTM” là những dòng nhật ký của nhà truyền giáo được viết lại sau nhiều chục năm bon bon trên hành trình đến và gặp gỡ những con người mới trên những vùng đất mới. Đó là những dòng nhật ký ghi lại từ những bước đầu cho đến khi hình thành và nuôi dưỡng những cộng đoàn đức tin còn non trẻ. Mời quý thính giả cùng nghe một trích đoạn trong nhật ký truyền giáo. Tác giả viết như sau:

Đời sứ vụ có những chuyện tình cờ, nhưng lại mở ra những chân trời bất tận. 

Năm 1991, từ nông trường Củ Chi, chúng tôi được bề trên sai đi Phước Long để phụ giúp bà con sắc tộc. Tới điểm hẹn, ở đây đã có vài chục anh chị em thuộc đội Mân Côi chờ sẵn, sau phần chào hỏi và giới thiệu là bài ca “Người tìm người” bằng tiếng K’hor được mọi người hát vang, theo nhịp vỗ tay giòn giã. 

Tiệc mừng chỉ có nồi chè nóng. Ngon thật, món quà nhỏ nhưng tình yêu lớn khi trên nét mặt mọi người đều rạng rỡ vui tươi. Những con người ở chốn quê nghèo chỉ biết quanh quẩn bên nương rẫy, vậy mà tầm nhìn phóng tới những vùng đất xa xôi, không phải đất đá này, mà là những mảnh đất tâm hồn của bà con sắc tộc vùng phụ cận cho mãi tới Bù Đăng. Vào giai đoạn đó, cả vùng này không có bóng linh mục, chỉ có mấy nữ tu dòng Đức Bà Truyền Giáo, sinh hoạt của đời sống đạo còn nhiều khó khăn. Sau khi gặp nhau chừng 2 tiếng, chúng tôi được một anh lặng lẽ dẫn về nhà nghỉ qua đêm. 

Điểm đến đầu tiên là một làng nhỏ người S’tiêng nằm gần sát đường, có chừng 12 nóc nhà, nhà ở đây rộng và dài, giữa mọi nhà là một ngôi nhà tranh nho nhỏ dùng làm nơi cầu nguyện. 

Chúng tôi thực sự xúc động khi cùng bà con tiến vào nhà cầu nguyện, mái tranh đơn nghèo giữa mọi nhà, chen lẫn những bụi cây rậm rạp. Quả thật, Thiên Chúa ở đây là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, chung cảnh đời của mọi người, lắng nghe tiếng van nài của mọi người ngay trong cảnh đời của họ. Chúa ở đây trong một mái nhà, không cửa, đầy bụi đất. Thế nhưng khi từng người bước vào với đôi chân lấm lem, những tấm thân đời thường nhưng tấm lòng thì như lạc vào một vùng trời khác, ở đó họ có thể tin tưởng và cậy trông, và khi lời kinh được cất lên giòn giã, nghe tha thiết làm sao. 

Tác giả viết tiếp,

Trưa đó chúng tôi được đãi món thịt trâu khô. Thói quen của bà con sắc tộc mỗi khi được gọi đi ăn trâu hay bò, lúc về được chia phần mang về, nhưng khi về đến nhà thường không ăn liền, mà bỏ vào trong cái “gùi” trên gác bếp, hễ có khách đến chơi là đem nấu mời khách, quý lắm đó, để lâu thì cứng như đá phải đem giã rồi nấu, còn nếu mới chỉ ba bốn ngày thì khó ăn lắm. Ngoài món thịt trâu còn có bát canh lá rừng, sau đó cùng nhau uống rượu cần: Những “chén” rượu cần đầu tiên trong đời. 

Gặp nhau đó rồi chia tay đó, để còn đi tiếp. Anh em chúng tôi, những khuôn mặt hoàn toàn xa lạ, vậy mà khi chia tay, các bà các cô gái cũng sụt sùi nước mắt, và cũng chỉ vì nhiêu đó mà chúng tôi thấy mình bị giữ chân lại, ra đi sao đành. 

Đây là một chuyến đi đã mở ra cho chúng tôi một hướng đi mới, đầy bất ngờ. 

Với một con tim bao năm khao khát người nghèo, nay chúng tôi thấy mình đã được Chúa dẫn tới một vùng đất đúng chỗ đúng người. Thực ra, ngay khi bước những bước đầu tiên vào làng, chúng tôi đã thấy Chúa có mặt ở đó, giữa bà con túng nghèo và đang đợi. Vì thế khi bài tình ca được cất lên, mang giai điệu nước mắt, tôi khóc trong lòng vì quá vui sướng: nước mắt của lời kinh tạ ơn vì Chúa đã đón nhận ước nguyện và sai chúng tôi đến đây. Trong nước mắt của bà con, chúng tôi vui vì biết mình được bà con đón nhận với trọn cả tấm lòng. 

Khi nghiệm lại thì chúng tôi thấy quả thật Chúa quan phòng đã dẫn đưa và rèn luyện con tim chúng tôi, để khi được sai đi loan báo Tin Mừng cho những anh chị em túng nghèo, thì con tim ấy “tình trong như đã”, bước vào cảnh đời của bà con thật nhịp nhàng, coi như đã hiểu nhau từ rất xa xưa. 

Tuy nhiên, để công bố sứ điệp Tin Mừng thì đòi người thừa sai phải được thử luyện lâu dài theo thời gian và từng hoàn cảnh. Lợi thế của chúng tôi là đã sẵn có một con tim của tình bạn, chúng tôi cần đi tiếp bước thứ hai để có được một con tim biết lắng nghe: Nghe Thiên Chúa lên tiếng dạy dỗ và dẫn dắt cũng như chăm sóc bà con ngang qua truyền thống, kỷ cương và đời sống hằng ngày. 

Mục lục

Phần 1: Cánh đồng Bù Đăng - Ngôi nhà nguyện đầu tiên giữa lương dân ẩn mình dưới tàn cây, lần đầu đặt chân lên vùng đất xa lạ, Chúa dẫn người môn đệ đến những vùng đất phủ đầy bóng tối.

Phần 2: Cánh đồng Đăk Nông – Đường mới, những khuôn mặt mới hát chung câu tình ca, bất chấp những sai sót và yếu đuối, anh vẫn tiến bước về phía trước, trái tim của cha và tấm lòng của mẹ.

Phần 3: Cánh đồng Lộc Ninh – Bình Long, dung nhan Thiên Chúa giữa những anh chị em túng nghèo, bước khởi đầu và những năm tháng thăng trầm của một cộng đoàn đức tin, theo chân đám trẻ chăn trâu vào cánh đồng

Tác phẩm “Vui bước trên đường LBTM” dày 218 trang trên khổ giấy 13x20.5 cm là những chia sẻ trên đường mang Tin mừng đến với những bà con sắc tộc, những vùng đất mới. Ngoài ra, đó cũng chính là những trải nghiệm và những lời dạy từ Thầy Chí Thánh mà người môn đệ nhận được khi dấn thân cho những con người tại vùng đất ấy, như chính tác giả viết: 

Bây giờ chúng tôi nhận thức rất rõ rằng để có thể hòa theo bước chân của Con Thiên Chúa làm người, lời kinh của người môn đệ trên đường cũng phải là lời cam kết làm mọi sự theo cung cách Tin Mừng, và đồng hóa mình nhiều hơn với Chúa Giêsu Kitô. 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

31 tháng mười 2022, 12:45