Tìm kiếm

Điểm sách - Chữa lành những tương quan đã bị tổn thương

Theo tác giả, mục tiêu cơ bản của giao tiếp là mặc khải, không phải giải quyết. Nhiều người từ bỏ nỗ lực giao tiếp và nói: “Nói chuyện có ích gì? Chúng tôi không giải quyết bất cứ điều gì.” Nếu giải quyết là mục tiêu chính của giao tiếp, chúng ta chẳng đi đến đâu. Nếu mặc khải là mục tiêu thì chúng ta có hy vọng và khả năng giải quyết.

Văn Cương, SJ - Vatican News 

Tác phẩm: Chữa lành những tương quan đã bị tổn thương

Tác giả: Martin H. Padovani

Nguyên tác: HEALING WOUNDED RELATIONSHIPS

Chuyển ngữ: Nữ tu Maria Vũ Thị Thu Thủy, Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập

Mở đầu, tác giả viết như sau: Hàng ngày trong vai trò cố vấn hôn nhân, tôi thấy những hiểu lầm giống nhau về các mối quan hệ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tôi nhìn thấy những cặp đôi bước vào đời sống hôn nhân với cùng hành trang tai hại mà cha mẹ họ đã mang theo khi kết hôn. Không nhất thiết phải có những đau khổ không cần thiết bắt nguồn từ tất cả những điều này. Để tránh nó, chúng ta cần một chương trình giáo dục có quy mô lớn về điều gì tạo nên mối quan hệ tốt đẹp, điều gì khiến chúng hoạt động, cách giao tiếp bên trong chúng, sự cần thiết của xung đột và hiểu được mối quan hệ thân thiết là gì. Thông tin tôi đang nói đến ngày nay rất nhiều, nhưng nó không được phổ biến trong các trường học, nhà thờ và trường đại học của chúng ta. Chẳng hạn, chỉ thông qua giáo dục về những vấn đề này, chúng ta mới giảm được tỷ lệ ly hôn, vốn đang tàn phá xã hội của chúng ta.

Đức Giêsu đã trở thành một con người. Ngài đã hòa hợp con người và tâm linh. Ngài dạy chúng ta cách làm người và cách liên kết. Các sách Phúc Âm đều nói về các mối quan hệ. Như Phaolô nói: Ngài đã trở thành người giống như chúng ta, để chúng ta có thể trở nên giống Ngài hơn. Ngài bảo chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa và người lân cận như chính mình. Ngài cho chúng ta thấy rằng, nếu chúng ta không yêu chính mình, chúng ta không thể yêu người khác, kể cả Thiên Chúa.

Nội dung - Giao tiếp

Việc hàn gắn những mối quan hệ bị tổn thương phải bắt đầu bằng giao tiếp. Trong tất cả các mối quan hệ rắc rối, đặc biệt là trong hôn nhân và gia đình, các vấn đề liên quan có thể rất nhiều: con cái, tài chính, bà con thân thuộc. Sự hiểu lầm có thể tràn ngập, sự hiểu sai làm nản lòng. Nhưng bất kể điều gì có thể là khó khăn và khác biệt, vấn đề mấu chốt thường là sự tan vỡ bên trong hoặc giao tiếp không hiệu quả. Chúng ta không kết nối với nhau; chúng ta không đồng bộ với nhau. Vì vậy, chúng ta không thể hiểu nhau.

Điều bi kịch là chúng ta không nhận ra rằng một trong những món quà đẹp nhất và có sức mạnh lớn nhất mà chúng ta sở hữu là khả năng giao tiếp. Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ cao với các phương tiện giao tiếp tinh vi với bất kỳ ai ở bất kỳ đâu trên thế giới; chúng ta có thể biết gần như ngay lập tức về những bi kịch và chiến thắng đang diễn ra ở bất cứ đâu, nhưng chúng ta vẫn gặp vấn đề trong việc liên lạc và kết nối với nhau trong cuộc sống của mình.

Chúng ta được dựng nên để giao tiếp. Chúng ta được trang bị giọng nói, đôi môi, đôi tai, nét mặt và chuyển động cơ thể để thể hiện những gì chúng ta nghĩ và cảm nhận. Chúng ta được dựng nên để mặc khải. Đó là cuộc sống và các mối quan hệ. Chúng ta được dựng nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Chúng ta gọi Kinh Thánh là sách mặc khải, ở đó Thiên Chúa được tỏ lộ trong quyền năng và vẻ đẹp của tạo thành, và trong tâm hồn của tất cả những ai lắng nghe Ngài. Thật vậy, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta bước vào tương quan với Ngài bằng cách yêu cầu chúng ta tiết lộ bản thân cho Ngài.

Thiên Chúa mời gọi chúng ta tiết lộ bản thân cho Ngài. Chúng ta thực sự làm điều này trong cầu nguyện, một trong những thách đố của việc trở thành Kitô hữu là phát triển và nuôi dưỡng các mối quan hệ. Đây chẳng phải là những gì linh đạo Kitô giáo nói về việc mến Chúa và yêu người lân cận của bạn sao? Điều này chỉ có thể được thực hiện nếu người ta sẵn sàng nói chuyện với nhau. Không giao tiếp, bạn không thể có tương quan; không tương quan, bạn không thể có tình yêu.

Chúng ta vừa đề cập nhiều đến việc giao tiếp, vậy theo bạn mục đích của giao tiếp là gì? Phải chăng giao tiếp để giải quyết vấn đề?

Theo tác giả, mục tiêu cơ bản của giao tiếp là mặc khải, không phải giải quyết. Nhiều người từ bỏ nỗ lực giao tiếp và nói: “Nói chuyện có ích gì? Chúng tôi không giải quyết bất cứ điều gì.” Nếu giải quyết là mục tiêu chính của giao tiếp, chúng ta chẳng đi đến đâu. Nếu mặc khải là mục tiêu thì chúng ta có hy vọng và khả năng giải quyết. Thông thường trong khi mặc khải cho nhau, chúng ta tìm thấy cách giải quyết vấn đề của mình, bởi vì thông qua mặc khải, chúng ta đạt đến sự hiểu biết lẫn nhau.

Định nghĩa căn bản về giao tiếp cá nhân là tiết lộ cho người khác tôi là ai. Tôi tiết lộ những gì tôi nhận thức, suy nghĩ, cảm nhận và cần. Giao tiếp như vậy có thể rất khó cũng như đe dọa, bởi vì nó có nghĩa là mở lòng ra với người khác. Ở đây chúng ta không nói về sự giao tiếp thông thường giữa bạn bè, hàng xóm hay đồng nghiệp bình thường, mà là về những mối quan hệ gần gũi và thân thiết hơn, đặc biệt là những mối quan hệ trong hôn nhân và gia đình. Giao tiếp như vậy đòi hỏi sự thành thật và cởi mở sâu hơn, giao tiếp phải trực tiếp và rõ ràng.

Chính với sự giao tiếp như vậy mà chúng ta phát triển lòng tin và xây dựng các mối quan hệ  tin cậy. Loại quan hệ tin cậy này có thể chia sẻ sâu sắc không chỉ những gì tôi nghĩ và nhận thức, mà cả những gì tôi cảm thấy và cần.

Ngược lại, nếu giao tiếp không đầy đủ, hay truyền tải thông điệp không đầy đủ khiến người còn lại không có một số thông tin quan trọng. Hình thức giao tiếp không đầy đủ như vậy trong một khoảng thời gian có khuynh hướng khiến người ta xa cách nhau. Họ không hiểu nhau và sống trong bầu khí tổn thương, giận dữ và hận thù chưa được giải quyết, điều này dần dần xói mòn mối quan hệ. Khả năng trở nên thân thiết lẩn tránh họ. Người ta thường gọi điều này là hết yêu, nhưng thực sự nó là vấn đề mất kết nối với nhau nhiều hơn.

Có bao nhiêu cuộc hôn nhân, gia đình và tình bạn thân thiết trong xã hội của chúng ta chết hoặc không bao giờ đạt được tiềm năng của chúng bởi vì người ta không biết cách giao tiếp, hoặc tránh giao tiếp thật sự vì sợ hãi?

Bên cạnh đó, tác giả đề cập đến một nỗi sợ trong giao tiếp, đó là chúng ta có thể sợ giao tiếp trung thực. Chúng ta sợ bị từ chối hoặc sẽ không được yêu mến. Nếu điều đó xảy ra trong một mối quan hệ khi sự thật được nói ra, thì không bao giờ có nhiều mối quan hệ thực sự, phải không? Hoặc chúng ta sợ làm tổn thương người khác. Chúng ta có một nhận thức sai lệch về mối quan hệ lành mạnh là như thế nào. Sự trung thực trong một mối quan hệ đôi khi sẽ dẫn đến sự tổn thương cần thiết, nhưng đó là kết quả bình thường của việc chúng ta thành thật với nhau. Những gì chúng ta muốn tránh là nói một cách hèn hạ và ác ý. Cũng nên nhớ rằng có thể có ác ý trong sự im lặng của chúng ta. Tuyên bố lặp đi lặp lại của tôi là: “Nhiều cuộc hôn nhân chết vì im lặng hơn là bạo lực.” Và im lặng thường gây ra bạo lực!

Khi chúng ta không giao tiếp cởi mở và trung thực, chúng ta không chỉ có nguy cơ hiểu lầm sâu sắc hơn, mà những giải thích sai còn tăng lên gấp bội. Hãy nhớ lại sự tàn phá mà im lặng gây ra. Chín trong số mười lần, nếu sự im lặng ngự trị, chúng ta sẽ đưa ra lời giải thích tiêu cực hoặc sai lầm hoặc một giả định sai lầm.

Nói chuyện cởi mở và trung thực với nhau là cách duy nhất tôi có thể biết bạn và bạn có thể biết tôi. Chúng ta không thể đọc được suy nghĩ của nhau. Chúng ta chỉ có thể biết mỗi người chúng ta nghĩ gì và cảm thấy gì khi chúng ta nói ra những gì chúng ta nghĩ và cảm thấy.

Mục lục

Giao tiếp – Lắng nghe – Xung đột – Thân mật – Mối quan hệ quan trọng nhất – Tha thứ và hoà giải – Những mất mát trong cuộc sống – Mất một mối quan hệ quan trọng – Mất một người thân yêu – Lo lắng và sợ hãi – Tái hôn – Làm cho hôn nhân hiệu quả - Gia đình – Lòng biết ơn.

Tác phẩm “chữa lành những tương quan đã bị tổn thương” dày 306 trang trên khổ giấy 14.5 x 20.5 cm, giúp xem xét những khía cạnh con người trong các mối quan hệ của chúng ta, đặc biệt là những mối quan hệ thân thiết và cá nhân của chúng ta, đồng thời cố gắng cung cấp thông tin và sự khai sáng mà chúng ta cần nếu muốn tồn tại và phát triển trong thế giới ngày nay. Chỉ với những thông tin như vậy, chúng ta mới có thể tránh được sự hiểu lầm và thông tin sai lệch, đồng thời xây dựng những những tương quan bền vững và thân tình.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

07 tháng mười 2022, 10:25