Tìm kiếm

Điểm sách - Lãnh đạo trong Giáo hội, làm thế nào các vai trò truyền thống có thể phục vụ cộng đoàn Kitô ngày nay

ĐHY Walter Kasper quan niệm, cuộc khủng hoảng này không hoàn toàn tiêu cực, nhưng là một thời khắc đặc biệt để Giáo hội nhìn nhận và chuẩn bị trên tiến trình bước về phía trước. Ngài nói, tôi rất xác tín rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay không phải chỉ được nhìn dưới khía cạnh tiêu cực: chúng ta cũng có thể coi đó là một thời điểm đặc biệt (kairos) để phát triển.

Văn Cương, SJ - Vatican News

Tuần này, chúng ta cùng đến với Tác phẩm: Lãnh đạo trong Giáo hội - Làm thế nào các vai trò truyền thống có thể phục vụ cộng đoàn Kitô ngày nay

Nguyên tác tiếng Anh: Leadership in the Church How traditional roles can serve the Christian community today

Tác giả: Hồng y Walter Kasper

Dịch giả: Lm. G.B. Ngô Đình Tiến và Nhóm Sao Biển

Lãnh đạo trong Giáo hội là một tuyển tập các bài viết của Đức Hồng y Walter Kasper đã xuất bản trước đây tại Đức trong nhiều năm qua. Đây là những bài viết về các chủ đề quan trọng đối với mọi Kitô hữu, nhất là với những ai dấn thân cho sự hiệp nhất của Giáo hội Chúa Kitô.

Qua những bài viết này, người đọc có thể tìm gặp một số ý tưởng hiện nay trong Giáo hội Rôma bàn về những thách đố cấp bách nhất mà các Giáo hội phải đối diện. Đúng là cuốn sách này uyên bác nhưng nó không phải là thứ uyên bác giả tạo. Cuốn sách nói về đề tài lãnh đạo và những vấn đề đặt ra cho mọi Kitô hữu trước ngưỡng cửa thế kỷ XXI này.

Mục lục

Chương 1 – Chức phó tế: Giáo hội học hiệp thông như nền tảng của chức Phó tế, một vài nhận xét cụ thể về hình thức của chức Phó tế ngày nay.

Chương 2 – Chức linh mục: Những thảo luận gần đây về chức Linh mục, Tính chất đại diện của nhiệm vụ Tông đồ, Nhiệm vụ lãnh đạo cộng đoàn, Sự cộng tác của giáo dân trong nhiệm vụ lãnh đạo cộng đoàn.

Chương 3 – Chức giám mục: Đi tìm một tầm nhìn mới về Giáo hội, Đặc tính thiêng liêng và mục vụ của chức Giám mục, Chiều kích bí tích của chức Giám mục.

Chương 4 – Kế vị tông đồ: Nền tảng Kinh Thánh của Kế vị Tông đồ, Sự khác biệt về truyền thống và việc Kế vị thời Trung cổ và Cải cách, Những đồng thuận kể từ sau Công đồng Vatican II và sự khác biệt còn tồn tại.

Chương 5 – Giáo luật: Phần rỗi con người: ý nghĩa của Giáo luật,  Hợp tình hợp lý theo Giáo luật như một nguyên tắc cho việc áp dụng các chuẩn tắc Giáo luật.

Chương 6 – Giáo hội phổ quát và giáo hội địa phương: Một vấn nạn mục vụ cấp bách, Viễn cảnh Đại kết.

Chương 7 – Những viễn cảnh đại kết hướng về tương lai: Hai cột mốc quan trọng trên con đường Đại kết, một cách hiểu khác về Giáo hội.

Cùng điểm đôi nét trong tác phẩm khi bàn về chức linh mục, tác giả viết về sự khủng hoảng về linh mục như sau:

Trong vài thập niên vừa qua, thừa tác vụ linh mục ở hầu hết các Giáo hội Tây Âu đang gặp khủng hoảng. Sự suy giảm đáng kể về số lượng chủng sinh và tân linh mục tại hầu hết các giáo phận đã gây ra lo ngại và tình hình này sẽ tồi tệ hơn trong những năm sắp tới khi một số đông linh mục về hưu, không còn tích cực thi hành chức vụ thừa tác. Một nguyên nhân khác đáng lo ngại là các linh mục đang rời bỏ thừa tác vụ của mình. Nhiều linh mục cảm thấy gánh nặng công việc quá lớn mà lại gặt hái ít thành công. Tâm trạng này dẫn đến sự đầu hàng, bực bội, và có thể dẫn đến sự gây hấn. Trong khi hầu hết các linh mục vui vẻ thi hành thừa tác vụ một cách tốt đẹp, chúng ta không thể không nhận thấy rằng, những cảm xúc tiêu cực trên – nhất là nơi các linh mục trẻ – làm cho sứ điệp Kitô giáo mất đi sự lôi cuốn và trở nên khô khan bởi não trạng hoạt động thái quá.

Theo ĐHY Walter Kasper, cũng là tác giả của cuốn sách cho biết,

Cuộc khủng hoảng hiện tại có nhiều lý do, và chúng ta phải cảnh giác với việc vội vàng đơn giản hóa bằng cách cố gắng giản lược nó thành một nguyên nhân duy nhất. Điều không thể hoài nghi là những khó khăn, thất bại mà các linh mục cảm nghiệm, cùng với sự chống đối và ác tâm từ môi trường thế tục hầu hết đang dửng dưng với tôn giáo, cũng là một phần của nguyên nhân.

ĐHY nhấn mạnh,

Tuy nhiên, chúng ta không chỉ tìm kiếm những nguyên nhân ở bên ngoài Giáo hội mà nên bắt đầu bằng cách xem xét chính đời sống Giáo hội, một bầu khí chán nản chung mà nhiều người đang cảm nghiệm, trong đó có lẽ đa số là linh mục. Chúng ta không thể bỏ qua một nguyên nhân của những khó khăn hiện nay do sự nhầm lẫn và biến dạng trong thần học. Nguyên nhân thứ hai của sự thiếu rõ ràng trong thần học là ý thức hệ nảy sinh qua cuộc cách mạng văn hóa vào thập niên 1960 và đầu thập niên 1970.

Từ đó, tác giả nêu quan điểm về việc dùng chủ nghĩa thực dụng để giải quyết các vấn đề,

Chúng ta thường nghe nói rằng, mọi vấn đề này có thể được giải quyết ít nhiều theo lối thực dụng. Chắc chắn, nhiều vấn đề có thể hoặc phải được giải quyết cách thực dụng; nhưng cũng nên ý thức rằng, các giải pháp thuần túy thực dụng thường giống như những sao chổi kéo theo các ứng dụng và hậu quả thần học khi chúng xuất hiện.

Điều này cũng áp dụng đối với một quan điểm phổ biến cho rằng, người ta có thể giải quyết vấn đề bằng cách thay đổi các “điều kiện tiếp nhận” của thừa tác vụ linh mục. Một lập trường như thế không nhận ra rằng, vấn đề thực sự không phải là sự thiếu hụt linh mục, nhưng là sự giảm sút số tín hữu và các cộng đoàn, từ đó sẽ trở thành một trong những nguyên nhân gây ra sự thiếu hụt linh mục.

Tác giả khẳng định: Rõ ràng là một số nỗ lực nhằm đưa ra giải pháp cho sự thiếu hụt linh mục có những tác dụng phụ là bỏ qua vấn đề bằng cách lờ đi bản chất của thừa tác vụ linh mục, hoặc xem thừa tác vụ như là việc dư thừa.

Cuối cùng, ĐHY Walter Kasper quan niệm, cuộc khủng hoảng này không hoàn toàn tiêu cực, nhưng là một thời khắc đặc biệt để Giáo hội nhìn nhận và chuẩn bị trên tiến trình bước về phía trước. Ngài nói, tôi rất xác tín rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay không phải chỉ được nhìn dưới khía cạnh tiêu cực: chúng ta cũng có thể coi đó là một thời điểm đặc biệt (kairos) để phát triển, nếu không là một Giáo hội mới, thì cách nào đó cũng là một hình thức mới về Giáo hội của thời đại đang bước vào thiên niên kỷ thứ ba của lịch sử. Chúng ta cần cố gắng vượt qua những thần học hộ giáo, tìm một con đường xây dựng và sáng tạo, để từng bước một, hướng tới giải pháp cho các vấn đề của chúng ta.

Theo tác giả, là linh mục, chúng ta không chiếm vị trí trung tâm: chúng ta phải là người lắng nghe, thực thi Lời Chúa. Sự hiện hữu của linh mục là sự hiện hữu như là chứng nhân và là dấu chỉ, không chỉ bằng môi miệng mà với toàn bộ cuộc sống của mình.

Tác phẩm “Lãnh đạo trong Giáo hội - Làm thế nào các vai trò truyền thống có thể phục vụ cộng đoàn Kitô ngày nay” dày 218 trang trên khổ giấy 14.5 x 20.5 cm. Có lẽ, cuốn sách phù hợp hơn với những ai muốn nghiên cứu, suy tư, tìm hiểu về ‘các vai trò truyền thống trong Giáo hội’ để từ đó hiểu biết hơn về những vai trò và sứ mạng của những người “lãnh đạo trong Giáo hội”.

Không phải cuốn sách nào cũng phù hợp với tất cả mọi người, hay cũng không có người nào phù hợp với mọi cuốn sách.

Nếu sau khi đã nghe mục ‘điểm sách’ tuần này, và bạn phân vân không biết liệu tác phẩm “Lãnh đạo trong Giáo hội - Làm thế nào các vai trò truyền thống có thể phục vụ cộng đoàn Kitô ngày nay” có phù hợp với mình hay không, bạn có thể tìm đọc tại các nhà sách công giáo hay tra cứu trên internet để tìm hiểu thêm về tác phẩm trước khi có quyết định cuối cùng. Hoặc có thể chờ một tác phẩm tiếp theo sẽ được giới thiệu vào tuần tới.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

08 tháng ba 2022, 10:20