Đức cha Giorgio Marengo với các tín hữu Mông Cổ Đức cha Giorgio Marengo với các tín hữu Mông Cổ 

ĐC Giorgio Marengo: Giáo hội Mông Cổ hiện nay giống Giáo hội thời các Tông đồ

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Hãng tin Fides, nhận định về hoàn cảnh của Giáo hội Mông Cổ hiện nay, Đức cha Giorgio Marengo, Giám mục của Mông Cổ nói: “Hoàn cảnh của Giáo hội Mông Cổ giống thời các Tông đồ. Chúng tôi làm chứng cho Chúa Kitô trong điều kiện khó khăn về vị trí địa lý và văn hóa”.

Ngọc Yến - Vatican News

Đức cha Giorgio Marengo, người Ý, thuộc dòng Thừa Sai Đức Mẹ An Ủi (IMC) được tấn phong Giám mục vào tháng 8/2020. Cha đã đến Mông Cổ từ năm 2003 cùng với các anh em trong dòng, để đồng hành và hỗ trợ mục vụ cho cộng đoàn bé nhỏ Arvaiheer trong vùng Uvurkhangai. Hoạt động truyền giáo của các tu sĩ là những việc đơn giản trong cuộc sống hàng ngày như: các sinh hoạt sau giờ học ở trường của các học sinh, thực hiện các dự án như nhà tắm công cộng, một dự án thủ công cho phụ nữ, trung tâm chăm sóc ban ngày và giúp phục hồi cho những người nghiện rượu. Đức cha giải thích: “Đây là một hoạt động phức tạp và đôi khi khó khăn, nhưng điều này không làm cho ‘những vị mục tử có mùi chiên’, những người đang sống và làm chứng cho Tin Mừng ở đây nản lòng”.

Đức cha nói ngài tin rằng là một giám mục ở Mông Cổ cũng giống như thi hành thừa tác vụ giám mục ở thời Giáo hội tiên khởi. Vào thời đó, các Tông đồ làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh trong điều kiện khó khăn về vị trí địa lý và văn hóa. Tình hình Giáo hội Mông Cổ hiện nay cũng vậy. Vì thế, đối với vị Giám mục người Ý, đây là một trách nhiệm lớn đưa ngài tới gần hơn với ý nghĩa của sứ vụ.

Về hiện trạng của Giáo hội Mông Cổ, Đức cha cho biết: Giáo hội Mông Cổ là một Giáo hội trẻ, nhỏ bé và ở vùng ngoại ô, với khoảng 1.300 tín hữu trong tổng số 3 triệu rưỡi cư dân. Kitô giáo hiện diện tại Mông Cổ từ thế kỷ X bởi các Kitô hữu đến từ Syriac, nhưng sau đó bị ngưng lại. Trong nhiều thế kỷ, Kitô giáo không còn hiện diện tại đây, đó là lý do tại sao nhiều người cho rằng Kitô giáo là một điều gì đó mới mẻ, đến từ nước ngoài trong những năm gần đây. Họ không biết về việc Kitô giáo tại Mông Cổ đã có một lịch sử lâu đời.

Hiện nay, có khoảng 60 nhà truyền giáo thuộc nhiều quốc tịch và các hội dòng chăm sóc mục vụ cho 8 giáo xứ. Các nhà truyền giáo thường xuyên gặp nhau để xem xét các vấn đề, phối hợp các hoạt động và lên kế hoạch cho các sáng kiến mới. Năm 2022, Giáo hội Mông Cổ sẽ cử hành 30 năm tái hiện diện của Giáo hội Công giáo tại quốc gia châu Á rộng lớn này.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

09 tháng tám 2021, 11:02