14734725862_34f288f677_o.jpg

Bà Roberta Cortella và chương trình hành hương thay thế hình phạt tù cho trẻ vị thành niên

Bà Roberta Cortella thực hiện bộ phim tài liệu với tựa đề Boez – Chúng ta cùng nhau bước đi. Bộ phim kể lại cuộc hành hương dài dành cho các phạm nhân ở tuổi vị thành niên. Bộ phim được trình chiếu trên đài truyền hình Italia, tại kênh Rai 3 từ 02-13/11/2019.

Ngọc Yến - Vatican

Roberta Cortella, một phụ nữ 41 tuổi, nhìn bề ngoài là một phụ nữ nhỏ nhắn, mảnh mai, nhút nhát, hay mỉm cười, người thích đứng đàng sau những sự kiện với những công việc âm thầm. Nhưng thật ra ai đã tiếp xúc và hiểu công việc của bà thì đều công nhận rằng: Đàng sau vẻ nhút nhát đó là một phụ nữ có đức tin kiên vững và sâu sắc, có những ý tưởng táo bạo cho cộng đồng. Thật vậy, bà đã làm cho nhiều người bất ngờ khi cho ra đời bộ phim tài liệu với tựa đề Boez – Chúng ta cùng nhau bước đi. Bộ phim kể lại cuộc hành hương dài dành cho các phạm nhân ở tuổi vị thành niên. Bộ phim được trình chiếu trên đài truyền hình Italia, tại kênh Rai 3 từ 02-13/11/2019.

Đường hành hương Santiago de Compostela còn gọi là Con đường của Thánh Giacôbê, kéo dài từ biên giới với Pháp -Tây Ban Nha đến thành phố Santiago de Compostela. Con đường hành hương có nhiều tuyến đường đi khác nhau, nhưng tất cả đều hướng về phía Nhà thờ chính tòa Santiago de Compostela. Mỗi năm có hàng ngàn người đã đi bộ, xe đạp để hành hương với những mục đích khác nhau như xin ơn hoán cải, tạ ơn, đền tội…

Trong một cuộc phỏng vấn bà Roberta đã kể lại quá trình hình thành nên bộ phim này như sau:

Ý tưởng bộ phim nảy sinh từ một lần hành hương của tôi. Trong lúc đi hành hương Santiango, lần đầu tiên tôi nghe nói về “Hành trình pháp lý” của một nhóm người đã thực hiện: một hình phạt thay cho nhà tù. Với cách thức này, những người đang thi hành án tù sẽ đi bộ từ Bỉ và kết thúc tại châu Âu. Hành trình dài như một công cụ huấn luyện và phục hồi.

Thế là trong tôi bắt đầu có ý tưởng và rồi tiến tới thực hiện.10 tập phim tái hiện lại thực tế hành trình đi bộ của 6 tù nhân tuổi vị thành niên. Nhóm tù nhân này do hướng dẫn viên Marco Saverio Loperfido và một nhà giáo dục hướng dẫn. Nhóm thực hiện một hành trình dài gồm 50 chặng, khoảng 900 km, từ Roma đến Puglia. Bộ phim do Rai thực hiện với sự cộng tác của Bộ Tư pháp.

Không cần phải nói chúng ta cũng hiểu rằng chủ đề này rất phức tạp và đòi hỏi nhiều can đảm. Thường người ta muốn những người đã phạm sai lầm phải bị giam tù, không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Trái lại, Boez kể về những người đã quyết định một cuộc hành trình bên cạnh những chàng trai trẻ, với hy vọng ý tưởng dịu dàng có thể thay đổi họ và để họ trở nên những người tốt hơn.

Tôi biết thực hiện điều này rất phức tạp và có thể tôi sẽ bị chỉ trích nhưng tôi tin vào sự lựa chọn của tôi, một lựa chọn đem lại niềm hy vọng. Đối với tôi, hy vọng có nghĩa là mở ra và linh động. Nghĩa là chúng ta phải bắt đầu nghĩ theo một cách khác, làm giàu chứ không theo định kiến. Đường lối chính trị ngày này làm cho tôi tự hỏi tại sao người ta không trao ban niềm hy vọng bằng cách mở ra và đón nhận. Chính khi chúng ta chịu mở ra là dấu hiệu niềm hy vọng đã bắt đầu. Tôi biết điều này không dễ, chính tôi cũng đã có những thành kiến về những người tù, nhưng tôi hy vọng rằng những người xem bộ phim này có thể hiểu hành trình mà tôi đang thực hiện: không còn nhìn các chàng trai với tội họ đã phạm, loại bỏ định kiến về tội phạm. Có lẽ đây là cách duy nhất chúng ta có thể thay đổi mọi sự”.

Thực ra hành trình phục hồi này không đơn giản. Chỉ với 15 ngày hành hương không đủ để phục hồi quá khứ đau thương. Chúng ta không nên nói “Tôi cứu bạn” mà cần nói “Tôi giúp bạn”. Vì chính khi nói như vậy chúng ta đặt người đối diện ở phía trước, chứ không phải chúng ta. Chính cái nhìn này tôi cố gắng tiếp tục cuộc hành trình.

Hành trình này chúng tôi không đi một mình. Chúng tôi đã được các linh mục tu sĩ giúp đỡ rất nhiều. Đặc biệt ở mỗi trạm dừng chân. Các vị đón tiếp chúng tôi với một tình cảm ấm áp, chính các em được đánh động trước tinh thần này. Ví dụ câu chuyện của cha Jacque Mourad, người đã bị IS bắt cóc. Khi kể lại câu chuyện của mình cha Jarque đã làm cho các em xúc động mạnh vì các em cho rằng việc giam giữ cha là điều bất công; bởi vì, khác với các em, cha không phạm tội gì. Một trường hợp khác: khi đến San Magno chúng tôi được cha Phanxicô đón tiếp. Cha đã chia sẻ về hành trình hoán cải của cha như thế nào. Và tại Venosa, thì trái lại, cha Cesare đã thảo luận với các em về khoa học và đức tin.

Sau cuộc hành trình tất cả các chàng trai đều được gia đình đón về. Có trường hợp các em không có ai đón nhận thì chính bà Roberta và các cộng tác viên đón nhận các em để với ước mong các em không quay trở về con đường cũ.

Khi được hỏi theo bà, đức tin là gì? Tôi sinh ra và lớn lên ở Friuli trong một môi trường Công giáo. Cha xứ là một người năng động và luôn hiện diện cùng với cộng đoàn. Cha luôn thăm viếng các gia đình để giúp đỡ họ. Tôi còn nhớ rõ khi Friuli bị gánh chịu trận động đất, cha xứ là một người nhiệt tình nhất giúp đỡ mọi người. Với hình ảnh này của cha xứ tôi nhìn đến một Giáo hội như là một linh mục đến gõ cửa nhà bạn và giúp đỡ bạn.
 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

04 tháng mười một 2019, 11:25