Tìm kiếm

Tín hữu Colombia cầu nguyện Tín hữu Colombia cầu nguyện 

Giáo Hội Colombia trong nỗ lực xây dựng hòa bình

Trong cuộc chiến kéo dài hơn nửa thế kỷ, Giáo hội Colombia đã luôn luôn khích lệ hòa giải, hòa bình.

Linh Tiến Khải - Vatican

Ngày 27 tháng 5 vừa qua 36 triệu dân Colombia đã đi bỏ phiếu bầu tân tổng thống thay thế tổng thống Juan Manuel Santos đã cai quản đất nước 8 năm sau khi tái nhiệm hồi năm 2014. Ứng cử viên Ivan Duque, thuộc phe Trung Hữu, đã đắc cử tân tổng thống với 54,07% tổng số phiếu, đánh bại ứng cử viên Gustavo Petro, cựu phiến quân FARC, chỉ được 41,7% số phiếu, Ông Petro thuộc lực lượng FARC hiện đã trở thành đảng phái chính trị hợp pháp, sau thỏa hiệp hoà bình đã được quốc hội phê chuẩn hồi tháng 12 năm 2016.
Tổng thống tân cử năm nay 41 tuổi, và là vị tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử Colombia. Bình luận về kết của cuộc bầu cử ĐC Lúis Augusto Castro, TGM Tunja, cho biết một trong những lý do khiến cho ông Ivan Duque chiến thắng đã là khẩu hiệu tranh cử : “Một tương lai cho tất cả mọi người”. ĐC cầu mong nhiệm kỳ 4 năm của tân tổng thống tiến triển theo chí hướng ấy. Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên ông Ivan Duque đã chỉ chiếm 39,4% số phiếu, trong khi ông Gustavo Petro được 25,08% trong danh sách gồm 6 ứng cử viên tranh cử. ĐTGM Castro cho biết Giáo Hội cũng âu lo cho tương lại của tiến trình hòa bình đối với Lực lượng võ trang cách mạng Colombia, đặc biệt tại các vùng nông thôn và vùng Amazzonia là những nơi có nhiều khó khăn vì vẫn còn mang nhiều ảnh hưởng của các lực lượng phiến quân. Lý do là vì trong cuộc tranh cử ông Ivan Duque đã hứa là sẽ thay đổi các thỏa hiệp nói trên với lực lượng FARC.
Ít lâu trước khi có cuộc bỏ phiếu lần thứ hai, HĐGM Colombia đã công bố một sứ điệp mời gọi tín hữu công giáo và nhân dân toàn nước tích cực tham gia cuộc bỏ phiếu với “ý thức, sự tự do, và tinh thần trách nhiệm” cao độ. Các vị nhắc cho mọi người biết “bỏ phiếu là một quyền lợi và là một bổn phận luân lý”, vì nó có các âm hưởng sâu đậm trên cuộc sống của toàn dân trong nước. Nó diễn tả dấn thân của từng người trong việc xây dựng cuộc sống quốc gia.
** Các Giám Mục Colombia cũng nhấn mạnh cần khước từ mọi thói quen xấu như: không đi bầu cử, mua bán phiếu, hay gian lận. Ngoài ra cần tìm hiểu và đối chiếu chương trình do các ứng cử viên đề ra, và đừng để cho mình bị lèo lái bởi nghệ thuật tuyền truyền tranh cử chỉ muốn lừa dối cử tri với các thông tin gây hại, hay chỉ nhằm các lợi nhuận cá nhân đảng phái khác với thiện ích chung. Tất cả những điều nêu trên đều trung thực với các xác tín được thúc đẩy và với các lý do phát xuất từ Tin Mừng. Cần duy trì bầu khí tôn trọng, đối thoại và tinh thần công dân.
Trả lời cho câu hỏi phải bỏ phiếu cho ai, các Giám Mục viết trong sứ điệp: cần lựa chọn những người biểu lộ “ước muốn phục vụ công ích hơn các lợi lộc cá nhân. Cần bỏ phiếu cho những ứng cử viên cho thấy họ muốn sự tự do và độc lập đối với bất cứ trào lưu ngoại quốc thực dân ý thức hệ nào, có khả năng lắng nghe và học hiểu trong cuộc đối thoại dân chủ, và chứng minh cho thấy họ liên đới với các khổ đau và niềm hy vọng của mọi người dân Colombia. Đây cũng là điều liên quan tới những ai muốn dấn thân xây dựng quốc gia trên các giá trị luân lý đạo đức, và thăng tiến các đường lối chính trị rõ ràng bảo vệ phẩm giá con người, bảo vệ gia đình và sự sống trong mọi giai đoạn của nó, bênh vực quyền lợi của cha mẹ giáo dục con cái, và săn sóc thiên nhiên bảo vệ môi sinh. Các Giám Mục Colombia nhấn mạnh trong sứ điệp gửi tín hữu và nhân dân toàn nước: “Chúng ta không chọn một siêu anh hùng có thể làm được mọi sự, nhưng chọn một người có khả năng hướng dẫn các nỗ lực của người dân Colombia theo một dự án chung của đất nước. Các Giám Mục Colombia đặc biệt kêu mời giới trẻ hăng hái tham gia cuộc bầu cử với các lý tưởng nêu trên, và nhắn nhủ họ: các bạn đừng để cho mình bị đánh cắp đi các niềm hy vọng. Đây chính là điều ĐTC Phanxicô đã xin giới trẻ toàn thế giới. Sau cùng các vị phó thác cho lời bầu cử hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, các ước mong của toàn dân Colombia có được một đất nước tốt lành hơn để trao lại cho các thế hệ trẻ, cũng như dấn thân và ý muốn hòa giải quốc gia và nguyện vọng của hàng lãnh đạo được bầu ra để phục vụ dân nước.
Liên quan tới các viễn tượng đối với tương lai sắp tới của cuộc hòa giải và phát triển quốc gia Ủy ban hòa giải quốc gia đã nhóm phiên họp ngày 26 tháng 6 vừa qua với sự tham dự của nhiều nhân vật của Giáo Hội, trong đó có phái đoàn gồm 15 người đã từng dấn thân hàng đầu tại các địa phương cho công tác này. Cuộc họp đã kết thúc với một băng rôn khẩu hiệu viết “Colombia sau các cuộc bầu cử: thắng vượt tập trung lợi lộc và tìm kiếm hòa giải”.
** Linh Mục Dario Echeverri, tổng thư ký Ủy ban hòa giải quốc gia, cho biết Ủy ban sẽ đúc kết các đề nghị và đệ trình lên tổng thống tân cử. Cha cho biết mọi người đã lắng nghe tường trình của các đại diện vùng miền của Ủy ban liên quan tới tiến trình hòa giải, và tình trạng bất ổn đối với việc tạo dựng hòa bình. Tại các vùng miền, và trên bình diện quốc gia, người ta nhận thấy có các khó khăn. Đây là thời gian chuyển tiếp. Cha cho biết Giáo Hội rất âu lo cho tình trạng thiếu thốn tài nguyên kinh tế cho việc thực hiện tiến trình này, thêm vào đó Colombia đang phải tiếp nhận hàng chục ngàn người di cư tỵ nạn đến từ quốc gia lân cận, như trạm chuyển tiếp hay nơi định cư, và đường lối chính trị thực tế của chính quyền sẽ bắt đầu nhiệm kỳ vào ngày mùng 7 tháng 8 tới đây. Theo cha Echeverri các vị đại diện vùng miền của Ủy ban hòa giải quốc gia là những người sống tại các địa phương. Họ nóng lòng muốn đẩy mạnh tiến trình hòa giải và cho biết có nhiều chậm trễ trong việc thực thi công lý đặc biệt trong thời chuyển tiếp. Họ sợ rằng các cuộc thảo luận hòa bình với lực lượng phiến quân Quân đội giải phóng quốc gia ELN không tiến tới, vì tân chính quyền xem ra muốn vạch ra một lằn đỏ liên quan tới các cuộc thương thảo, nhưng lực lượng Quân đội giải phóng quốc gia không chấp thuận. Tất cả các ưu tư lo lắng này sẽ được đệ trình lên Quốc Hội Colombia.
Về phần mình ĐTGM Castro, thành viên của Ủy ban hòa giải quốc gia, nhận xét rằng trong lúc này Quốc hội rất là vô cảm đối với việc chấp thuận các luật đặc biệt đã được thông qua. ĐC cũng cho biết là có sự chậm chạp của chính quyền trước đây trong việc hội nhập các người di cư tỵ nạn vào cuộc sống xã hội, sau khi cuộc xung đột chấm dứt. Từ nhiều thập niên qua nhà nước đã bỏ rơi các vùng ngoại biên phía Thái Bình Dương và mạn nam Colombia, cũng nhiều vùng khác trong nước. Giờ đầy cần có một tiến trình hòa bình xứng đáng, trực tiếp, giúp hội nhập mọi người và đem lại các lợi ích cho sự tiến triển kinh tế trong các vùng đã bị bỏ rơi này. ĐC Castro cũng cho biết người ta cũng lo âu đối với định hướng chính trị của tân tổng thống, nếu ông để cho mình bị ảnh hưởng quá mạnh của nguyên tổng thống Uribe thuộc cùng đảng phái, và thay đổi lộ trình của tiến trình hòa bình. Điều này sẽ khiến cho các cựu phiến quân khó chịu, và họ sẽ giải thích nó như là dấu chỉ của một ý chí xấu. Tuy nhiên, cần phải chờ đợi xem tình hình chính trị trong nước tiến triển ra sao trong thời gian tới. Đặc biệt là phải chờ đợi quyết định của Tòa bảo hiến liên quan tới việc xét xử các quân nhân trong một phòng khác với phòng xét xử các cựu phiến quân. ĐC tin rằng Tòa bảo hiến sẽ không chấp thuận điều này, vì nó không phù hợp với các thỏa hiệp đã ký kết với các phiến quân, và vì thế không hợp hiến. ĐC Castro hiện cai quản một trong các giáo phận nghèo và khó khăn nhất Colombia trong vùng bị nhà nước bỏ rơi từ nhiều thập niên qua. ĐC cũng là người đã ban bí tích Thêm Sức cho con gái của tân tổng thống Duque. Vì thế ngài có được một cánh cửa rộng mở cho một cuộc đối thoại, nếu tình hình trở nên phức tạp.
** Trong một cuộc nói chuyện với hãng FIDES của Bộ Truyền Giáo, ĐC Jesus Alvarez Gomez, nguyên giám đốc Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Colombia, và từ tháng 2 năm nay là Giám Mục giáo phận Istmina-Tado, cho biết người dân Colombia rất ước mong hòa bình, nhưng chưa thành công trong việc tìm ra một con đường đúng đắn. Mọi Giám Mục đều dấn thân trong nỗ lực hướng dẫn dân chúng trên con được hòa bình đích thực, là nền hòa bình Chúa Kitô hứa ban, hòa bình của Tin Mừng. Chúng tôi dấn thân trong nỗ lực lớn lao này là điều không dễ dàng. Nhiều linh mục dấn thân trong công tác này đã bị sát hại, nhiều cộng đoàn đã bị tan nát và bách hại vì các xác tín tôn giáo. Nhưng chúng tôi tiếp tục tiến lên với xác tín rằng chỉ với sự trợ giúp của Chúa Kitô và Tin Mừng chúng tôi mới có thể thoát ra khỏi tình trạng này. Trong các vùng địa lý còn phải đau khổ vì bạo lực và thiếu hòa bình có Catatumbo nằm ở mạn đông bắc giáp giới với Venezuela, là một thùng thuốc nổ từ lâu nay, vì đây là căn cứ hoạt động của lực lượng Quân đội giải phóng quốc gia ngay từ năm 1964. Vùng này rất trù phú và cùng chia sẻ dầu lửa với Venezuela, nhưng đồng thời cũng vì thế mà nuôi dưỡng nhiều bạo lực và chiến tranh. Ngoài ra còn có nhiều vùng khác nữa như Choco ở phía tây cũng có sự hiện diện của các phiến quân này, cộng thêm nhiều hình thức bạo lực và xung đột khác, trong đó có nạn buôn bán ma túy. ĐC còn cho biết thêm rằng miền nam Colombia là vùng hoạt động của các Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia FARC, cũng đang đau khổ, mặc dù tổ chức này đã ký thỏa hiệp hòa bình với Chính quyền, vì bầu khí bạo lực, chiến tranh và thờ ơ vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, trong các vùng này Giáo Hội vẫn hiện diện một cách mạnh mẽ, tin tưởng và nhiều khi trong tình trạng tử đạo nữa. Giáo Hội công giáo là Giáo Hội duy nhất có mặt trong tất cả mọi vùng bạo lực này. Cả tại những nơi nghèo nàn và xa xôi nhất cũng đều có một linh mục, một tu sĩ nam nữ, hay giáo dân dấn thân lo lắng mục vụ và rao giảng Tin Mừng cho tín hữu. Chúng tôi hiện diện ở đó để đem Tin Mừng tới cho người dân, và làm chứng cho sự hòa giải hòa bình và tha thứ. Đây là một hy vọng lớn, và Giáo Hội muốn dấn thân cho tới cùng. Cả khi trong quá khứ Giáo Hội đã phạm các sai lầm, Giáo Hội công giáo là cơ cấu duy nhất còn được đa số dân tín nhiệm. Chính sự kiện này thúc đẩy Giáo Hội hiện diện tại khắp nơi trong nước, nhất là trong các vùng nghèo nàn và bị bỏ rơi nhất, nơi người dân thiếu thốn mọi sự cần thiết để sống xứng đáng với phẩm giá con người. Năm nay chúng tôi đang cử hành Năm Hòa Giải, và các Giám Mục chúng tôi đang mời gọi người dân Colombia giải trừ vũ khí trong con tim để bước vào một bầu không khí hòa giải và hòa bình, là con đường mở ra cho sự phát triển.
Colombia là quốc gia đã có cuộc nội chiến lâu dài nhất trên thế giới. Hơn nửa thế kỷ chiến tranh đã khiến cho 250.000 người thiệt mạng, hàng trăm ngàn người bị thương, và 7 triệu người phải di cư tỵ nạn. Colombia rộng hơn 1 triêu 141 ngàn cây số vuông, có 50 triệu dân, 86% lai giống, 10% gốc da đen, 3,4% là các thổ dân. Trên bình diện tôn giáo 90% tổng số dân theo Kitô giáo, trong đó Giáo Hội công giáo chiếm 70,9%, các Giáo Hội tin lành chiếm 16,7%. Ngoài ra có 4,7% vô thần, và 3,5% nói họ tin vào Thiên Chúa, nhưng không theo tôn giáo nào cả.
 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

06 tháng bảy 2018, 15:48